Trích dẫn một số nội dung về công tác Lãnh sự

(Nguồn trích dẫn: Công văn số 1109/LS-QHLS ngày 12/4/2019 của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về việc phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam).

I. Cơ chế phối hợp và nội dung thông tin

1. Cơ chế phối hợp

- Điều 36 Công ước Viên năm 1963 về Quan hệ Lãnh sự quy định: cơ quan chức năng của nước tiếp nhận có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự nước ngoài biết trong khu vực lãnh sự có công dân nước họ đang bị bắt giữ, tạm giam chờ xét xử hoặc bị tạm giữ dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, theo các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước về lãnh sự, cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để thông báo ngay cho các cơ quan đại diện (CQĐD) khi công dân nước ngoài bị bắt giữ, tạm giam trong vòng 72 giờ (Hoa Kỳ), 48 giờ (Ôtraylia) hay trong thời gian sớm nhất có thể (Trung Quốc, Hàn Quốc)... Bên cạnh đó, căn cứ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo và phối hợp với Bộ Ngoại giao thu xếp, tạo thuận lợi để CQĐD được đi thăm lãnh sự khi có công dân nước ngoài bị bắt, giam giữ...

- Các cơ quan Ngoại vụ địa phương phải thông báo ngay cho cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao được ủy quyền liên lạc trực tiếp với (CQĐD) của nước ngoài liên quan khi xảy ra những vụ việc lãnh sự thông thường liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh như: bị tai nạn, tử vong, mất hộ chiếu, vi phạm pháp luật Việt Nam bị giam giữ (trừ thăm lãnh sự vẫn thông qua Bộ Ngoại giao), đồng thời thông báo ngay cho Bộ Ngoại giao qua Cục Lãnh sự (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Quảng Nam, thành phổ Đà Nẵng trở vào) khi có sự việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra tại địa phương để cùng phối hợp giải quyết.

2. Nội dung thông tin

Công văn thông báo của cơ quan Ngoại vụ địa phương phải đầy đủ các thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch; số hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh Việt Nam; thời gian, địa điểm, nguyên nhân tai nạn/tử vong; họ tên, địa chỉ thân nhân của người bị nạn ở nước ngoài (nếu có), đồng thời gửi kèm bản chụp giấy tờ tùy thân của người bị nạn để tạo thuận lợi cho phía nước ngoài xác minh nhân thân/quốc tịch của người bị nạn.

Lưu ý: Theo Quy định tại Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg ngày 16/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam: các cơ quan chức năng không “thu, giữ hộ chiếu của công dân nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài” vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trường hợp hộ chiếu đó được coi là vật chứng của vụ án đang được tiến hành điều tra, cần thu giữ hoặc trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh, việc thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài là cần thiết: việc thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao thống nhất biện pháp xử lý.

II. Một số điểm cần chú ý về việc phối họp xử lý thi hài người nước ngoài bị tai nạn/tử vong tại địa phương

1. Về việc giám định pháp y

- Trường hợp đã xác định được nguyên nhân tai nạn/tử vong: cơ quan Ngoại vụ địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương lập biên bản có chữ ký của người làm chứng và cơ quan giám định. Trường họp chưa xác định được nguyên nhân tai nạn/tử vong (có nghi vấn): cơ quan chức năng chỉ mổ tử thi có ý kiến đồng ý của CQĐD/thân nhân của người bị nạn. Khi có ý kiến của CQĐD/ thân nhân đồng ý mổ tử thi: cơ quan pháp y hoặc y tế của địa phương tiến hành thủ tục pháp y và có kết luận cụ thể về nguyên nhân tử vong.

- Trường hợp CQĐD/thân nhân của người tử vong có yêu cầu (bằng văn bản) đề nghị không mổ tử thi để khám nghiệm: cơ quan chức năng xem xét, đáp ứng theo yêu cầu của CQĐD/thân nhân của người tử vong nếu đã xác định được nguyên nhân tử vong và không có gì nghi vấn. Trong luật pháp và thực tiễn, các nước đều không chấp nhận hoặc cho phép CQĐD hoặc thân nhân tham dự vào việc mổ tử thi và giám định pháp y. Tuy nhiên, nếu CQĐD có đề nghị bằng công hàm: tùy từng trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng xem xét chấp nhận đề nghị, tuy nhiên chỉ trong trường hợp nguyên nhân tử vong đã được xác định rõ (không có nghi vấn...) và họ chỉ được quan sát. Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y phải được chuyển 01 bộ đến Cục Lãnh sự (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Quảng Nam, thành phổ Đà Nẵng trở vào) để chuyển cho CQĐD của nước có công dân tử vong.

2. Công tác bảo quản thi hài

- Trường hợp địa phương không có điều kiện kỹ thuật để bảo quản thi hài, cơ quan Ngoại vụ hướng dẫn chính quyền địa phương chuyển thi hài đến cơ sở y tế hoặc nhà tang lễ có thiết bị bảo quản để lưu giữ.

- Thời hạn bảo quản thi hài tại địa phương là 07 ngày kể từ ngày tử vong; sau thời hạn này, nếu CQĐD liên quan không có ý kiến hoặc không có người đến nhận thi hài: các cơ quan chức năng địa phương tiến hành thủ tục mai táng hoặc hỏa táng phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của địa phương.

- Đối với những trường hợp nhạy cảm và tùy điều kiện lưu giữ thi hài tại địa phương, cơ quan Ngoại vụ địa phương có thể gửi thông báo cho CQĐD lần 2 (thêm thời hạn 07 ngày), đồng gửi Cục Lãnh sự (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Quảng Nam, thành phổ Đà Nẵng trở vào) để phối hợp. Nếu sau thời hạn này mà CQĐD/thân nhân không có ý kiến hoặc không có người đến nhận thi hài: cơ quan chức năng địa phương tiến hành thủ tục mai táng hoặc hỏa táng phù họp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của địa phương.

- Về chi phí bảo quản thi hài: cơ quan Ngoại vụ địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương phương án xử lý phù hợp với điều kiện của địa phương. Trường hợp CQĐD yêu cầu bảo quản lâu hơn thời hạn 07 ngày thì CQĐD phải đảm bảo về việc thanh toán các chi phí lưu giữ thi hài.

3. Đăng ký khai tử

- Uỷ ban nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết: ƯBND cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.

- Sau khi đăng ký khai tử: UBND cấp huyện gửi văn bản thông báo (kèm theo Trích lục khai tử) cho Cục Lãnh sự (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) hoặc Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh (áp dụng đối với các tỉnh từ tỉnh Quảng Nam, thành phổ Đà Nẵng trở vào).

- Trường hợp Giấy chứng tử, Trích lục khai tử hoặc giấy tờ khác có liên quan cần sử dụng ở nước ngoài: cơ quan Ngoại vụ địa phương hướng dẫn cho thân nhân, cơ quan/tổ chức chịu trách nhiệm bảo lãnh cho người bị nạn tại Việt Nam đến Phòng Công chứng Nhà nước để dịch ra tiếng nước ngoài thông dụng, sau đó đến Cục Lãnh sự/Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục hợp pháp hóa hoặc chứng nhận lãnh sự (trừ những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam có quy định được miễn thủ tục này).

4. Đưa thi hài/di hài về nước liên quan hoặc chôn cất tại địa phương

- Trường hợp thân nhân hoặc CQĐD có nguyện vọng đưa thi hài của người tử vong về nước: cơ quan Ngoại vụ địa phương hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế của tỉnh, thành phố để tiến hành thủ tục ướp xác, đưa vào quan tài kẽm, niêm phong, kiểm dịch y tế để chuyển về nước và chịu mọi chi phí.

- Trường hợp chỉ đưa di hài (tro cốt) của người chết ra khỏi Việt Nam về nước liên quan: cơ quan Ngoại vụ địa phương hướng dẫn cho thân nhân hoặc cơ quan/tổ chức chịu trách nhiệm bảo lãnh cho người bị nạn tại Việt Nam liên hệ với cơ quan kiểm dịch y tế và hải quan của Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về mặt thủ tục.

 - Trường hợp thân nhân của người chết là người Việt Nam đề nghị được chôn cất thi hài người chết tại Việt Nam: các cơ quan chức năng phối hợp với UBND địa phương xem xét, giải quyết phù hợp với các quy định và phong tục tập quán của Việt Nam.

 

III. Một số trường hợp đặc biệt

1. Người nước ngoài tử vong khi đang bị tạm giữ, tạm giam

- Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết là người nước ngoài thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của người đó.

- Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo thỏa thuận quốc tế hoặc thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam và nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết tùy trường hợp cụ thể. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Việt Nam và nước có người bị tạm giam, tạm giữ chết không thỏa thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể, hoặc không xác định được quốc tịch cùa người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.

2. Tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người nước ngoài

- Khi xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì thực hiện theo trình tự điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được quy định tại Chương II - Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA ngày 05/01/2007 của Bộ Công an ban hành Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ đồng thời áp dụng Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 08/9/1988 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra, hoặc áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

- Trường hợp vụ tai nạn gây chết người, bị thương nặng: cơ quan Ngoại vụ địa phương thông báo ngay cho CQĐD, đồng gửi Cục Lãnh sự để phối hợp, xử lý kịp thời./.

Tác giả: Hán Công Tuân
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập