Cửa khẩu Lóng Sập được nập cấp thành cửa khẩu quốc tế và cơ hội mơi scho kinh tế du lịch tỉnh Sơn La

 

         Ngày 22/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 182/NQ-CP về việc nâng cấp Cửa khẩu chính Lóng Sập, tỉnh Sơn La thành Cửa khẩu quốc tế. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, tạo thêm cơ hội mới cho tỉnh Sơn La thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh tế du lịch.

Thành quả của quá trình nỗ lực

         Việc cửa khẩu Lóng Sập được Chính phủ quyết định nâng cấp lên thành Cửa khẩu quốc tế là kết quả của những nỗ lực không ngừng của tỉnh Sơn La nói riêng và nỗ lực chung của tỉnh Sơn La với tỉnh bạn Lào giáp ranh (tỉnh Hủa Phăn - nước CHDCND Lào).

         Tại cuộc họp giao ban công tác biên giới lần thứ X giữa hai tỉnh, tổ chức ngày 12/12/2007 tại tỉnh Hủa Phăn, hai bên đã thống nhất nhận thức chung về tầm quan trọng và tính cần thiết của việc đề nghị Chính phủ hai nước xem xét, nâng cấp cặp Cửa khẩu quốc gia Lóng Sập – Pa Háng lên cấp Cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh của tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn. Hai bên cũng thống nhất cùng triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện của mỗi tỉnh để sớm đạt các điều kiện nhằm đảm bảo cho cặp cửa khẩu này hoạt động ở cấp Cửa khẩu quốc tế, đồng thời mỗi tỉnh sẽ thực hiện quy trình thủ tục theo quy định của nước mình để trình Chính phủ hai nước xem xét, quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu này lên cấp Cửa khẩu quốc tế.

Trong các kỳ giao ban công tác biên giới tiếp sau đó, hai tỉnh luôn duy trì thông tin cho nhau về tiến độ và kết quả thực hiện, đồng thời tiếp tục thảo luận và thống nhất những nội dung mỗi bên sẽ thực hiện hoặc phối hợp cùng nhau thực hiện để hoàn thành mục tiêu sớm nhất.

Năm 2014, tỉnh Sơn La đã hoàn tất hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nam và trình Bộ Ngoại giao thẩm định, Bộ Ngoại giao đã trình Chính phủ và được Chính phủ nhất trí chủ trương nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập lên cấp Cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, sau khi nhận được công hàm thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Lào đề nghị chưa nâng cấp cửa khẩu Pa Háng tại thời điểm đó do chưa đảm bảo được các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để hoạt động ở cấp Cửa khẩu quốc tế.

Với những nỗ lực sau đó của Trung ương hai nước và của hai tỉnh: Sơn La - Hủa Phăn, tại cuộc họp thường niên lần thứ XXIX giữa Đoàn đại biểu biên giới nước CHXHCN Việt Nam và Đoàn đại biểu biên giới nước CHDCND Lào tổ chức ngày 26/12/2019 tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, hai bên đã thống nhất giao tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn tiếp tục triển khai hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ hai nước quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Lóng Sập – Pa Háng lên cấp Cửa khẩu quốc tế.

Sau một năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La đã tham mưu hoàn thành hồ sơ để Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền của Việt Nam; ngày 22/12/2020, với tỷ lệ biểu quyết đồng thuận cao, phiên họp của Chính phủ Việt Nam đã thông qua nghị quyết nâng cấp Cửa khẩu chính Lóng Sập thành Cửa khẩu quốc tế.

Đoàn liên ngành các cơ quan Trung ương do đồng chí Phùng Thế Long - Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế khu vực cửa khẩu Lóng Sập và làm việc với tỉnh Sơn La về nội dung hồ sơ Đề án nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập do tỉnh Sơn La trình.

Cơ hội mới cho phát triển kinh tế du lịch

         Ngày 12/11/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp đó là Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 25/01/2019  về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La và Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (dài khoảng 85 km). Đây chính là yếu tố quan trọng để thu hút lượng khách du lịch lớn đến với huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

         Tại Bắc Lào, theo số liệu thống kê của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại khu vực Bắc Lào: Trung bình hằng năm trong giai đoạn 2015 2019, lưu lượng khách du lịch người nước ngoài đến các tỉnh phía Bắc của nước CHDCND Lào là 1,7 triệu lượt, trong đó đến hai tỉnh giáp với Sơn La (tỉnh Luông Pha Bang và tỉnh Hủa Phăn) là hơn 554.631 lượt. Mặt khác, hiện nay sân bay quốc tế Noong Khạng (thuộc địa bàn tỉnh Hủa Phăn) đã thi công hoàn thành trên 92%, vị trí của sân bay này chỉ cách huyện Mộc Châu khoảng 80km. Đây là tiềm năng rất lớn để khai thác tuyến du lịch quốc tế từ các tỉnh phía Bắc của Việt Nam đến Mộc Châu sau đó đi sang tỉnh Hủa Phăn và các tỉnh phía Bắc Lào, sang Thái Lan, đi Vân Nam (Trung Quốc) và ngược lại.  Thời gian vừa qua, do cặp cửa khẩu Lóng Sập – Pa Háng mới chỉ ở cấp Cửa khẩu quốc gia nên chưa thể phát triển được tuyến du lịch đầy tiềm năng này.

         Trong thời gian tới, cùng với sự hoàn thiện của khu du lịch quốc gia Mộc Châu và sự thuận lợi của tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, cửa khẩu Lóng Sập hoạt động ở cấp Cửa khẩu quốc tế chắc chắn sẽ góp phần rất quan trọng cho sự phát triển khởi sắc của kinh tế du lịch tỉnh Sơn La, góp phần thúc đẩy nhanh lộ trình hoàn thành mục tiêu phấn đấu đưa Sơn La trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được triển khai để trình Chính phủ phê duyệt.

Còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu

         Để cặp Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập – Pa Háng phát huy được tối đa vai trò, lợi thế trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn, nhất là đối với lĩnh vực kinh tế du lịch, thì cũng còn nhiều công việc phải triển khai, đòi hỏi sự quyết tâm và chung tay của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân hai tỉnh.

         Trước hết là công tác quy hoạch chi tiết và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở khu vực cửa khẩu, nhất là cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện đại tại cửa khẩu đảm bảo hoạt động tốt ở cấp Cửa khẩu quốc tế, tiếp đó là hệ thống hạ tầng giao thông đúng cấp tiêu chuẩn đến vị trí cửa khẩu; cùng với đó là tăng cường số lượng và nâng cao trình độ, năng lực của bộ máy nhân sự trực tiếp làm việc tại cửa khẩu và xây dựng, áp dụng hệ thống chính sách, thủ tục hành chính thuận lợi, hiệu quả với mục tiêu nâng cao chỉ số hài lòng của người dân.

         Bên cạnh đó, cần có các đề án, chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân về những giá trị do kinh tế du lịch đem lại và giá trị của bản sắc văn hóa địa phương đối với ngành du lịch, đồng thời có giải pháp phát triển những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc bản địa; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương và các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế du lịch để nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo cơ sở cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của kinh tế du lịch./.

Tác giả: Nguyễn Văn Đoàn
Tin khác
1 2 3 4 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập